Tại hội thảo chuyên ngành Pháp – Việt, các chuyên gia và đại diện hai nước đã cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, khoa học và y tế số. Bà Nguyễn Đức Diane Thu Dung, Chủ tịch sáng lập Hội Tôn vinh Văn hóa Việt (APCV), phát biểu khai mạc và khẳng định vai trò “cầu nối văn hóa – khoa học” luôn là kim chỉ nam của APCV suốt 6 năm qua. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Pháp đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước gần đây. Giáo sư Pramuan Bunkanwanicha, Trưởng khoa Tài chính Trường ESCP, chia sẻ rằng trường đang đi đầu trong phát triển công nghệ sâu, y tế số và tinh thần doanh nhân khoa học, với mạng lưới hợp tác trải rộng toàn cầu. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định y tế số và trí tuệ nhân tạo (AI) là những trụ cột chiến lược trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh mong muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Pháp.
Giáo sư Antoine Tesnière, Giám đốc PariSanté Campus, giới thiệu chương trình France 2030 với khoản đầu tư hơn 7,5 tỷ euro vào y tế số, bệnh truyền nhiễm và sinh học. Ông nhấn mạnh rằng AI không chỉ là công cụ mà còn là yếu tố chiến lược cần cách tiếp cận hệ thống, lâu dài. PariSanté Campus hiện quy tụ hơn 60 startup và 6 viện nghiên cứu lớn, đang phát triển các công nghệ tiên tiến như AI trong chẩn đoán hình ảnh, LLM phân tích bệnh án và điều trị trầm cảm bằng sóng siêu âm. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo và chia sẻ dữ liệu y tế. Từ Việt Nam, ông Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế, trình bày về tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam, trong đó AI đang dần trở thành công cụ không thể thiếu trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức như thiếu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao và khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Trưởng Khoa Y Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội), chia sẻ rằng AI đóng vai trò quan trọng trong đào tạo y khoa, nhất là khi thế giới đang thiếu hụt nhân lực y tế. Dù vậy, ông khẳng định AI không thể thay thế yếu tố nhân văn trong giáo dục y khoa. Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang phát triển nền tảng giáo dục y tế số “Lecturio”, tích hợp AI để cá nhân hóa quá trình học tập. Từ phía Pháp, ông Alexandre Drezet, Giám đốc Đổi mới của Bệnh viện Foch, trình bày chiến lược số hóa bệnh viện với các công cụ tư vấn, theo dõi từ xa và kho dữ liệu tập trung. Trong khi đó, tiến sĩ Trần Văn Xuân, đồng sáng lập Brain-Life tại Anh, giới thiệu thiết bị giao diện não – máy tính (BCI) sử dụng AI để giám sát và cải thiện sức khỏe tinh thần với chi phí phù hợp cho người Việt. Thiết bị này có thể phát hiện sớm căng thẳng, mất tập trung và hỗ trợ can thiệp bằng thiền hoặc kích thích điện nhẹ.
Sự kiện lần này cho thấy sự chủ động chia sẻ giữa các chuyên gia, nhà giáo dục và doanh nghiệp, mở ra nhiều triển vọng hợp tác cụ thể, đóng góp thiết thực cho sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững của cả hai quốc gia .
Nguồn: KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp